TikTok đã nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất chỉ trong vài năm. Tại Việt Nam vào 6 tháng đầu năm 2023, với 61,2 triệu người dùng mỗi tháng và thời gian sử dụng trung bình của người dùng là 100 phút mỗi ngày, nền tảng này vượt qua các mạng xã hội khác như Facebook, YouTube, Instagram… và dẫn đầu về thời gian người dùng sử dụng mỗi ngày.
Thành tựu này có được phần lớn nhờ vào thuật toán “gây nghiện siêu tốc” từ con cưng nhà ByteDance. Cụ thể, thuật toán TikTok hoạt động như thế nào? Điều gì khiến người dùng (user) TikTok không thể rời mắt khỏi ứng dụng? Làm thế nào để các thương hiệu có thể tận dụng tối đa vũ khí này? Cùng REVU tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!
Thuật toán TikTok là gì?
Thuật toán TikTok (TikTok Algorithm) – thuật toán đề xuất nội dung của TikTok là hệ thống quyết định video nào sẽ hiển thị trên trang “Dành cho bạn” (For you) tùy thuộc vào sở thích cá nhân của người dùng. Hiểu ngắn gọn hơn, đây là hệ thống xác định video nào người dùng TikTok muốn xem.
Trang “Dành cho bạn” được cá nhân hóa cao cho từng người dùng khác nhau. Vì vậy, sẽ không có trường hợp 2 user cùng thấy cùng một danh sách video giống nhau hoàn toàn.
Cách hoạt động của thuật toán TikTok
Phương pháp đánh giá – phân phối nội dung của thuật toán TikTok
Khi video của bạn được tải lên, thuật toán TikTok sẽ phân tích video của bạn thông qua công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NPL) và thị giác máy tính (Computer Vision). Hệ thống của TikTok sẽ trích xuất các dữ liệu âm thanh, phiên âm và hình ảnh để hình dung bối cảnh của video.
Đại diện của Bytedance cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng những cỗ máy thông minh có khả năng hiểu và phân tích văn bản – hình ảnh – video bằng cách sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính. Điều này cho phép TikTok vừa phục vụ người dùng bằng những nội dung họ thấy thú vị nhất, đồng thời trao quyền cho các nhà sáng tạo chia sẻ nhiều hơn những khoảnh khắc với khán giả toàn cầu”.
Sau khi đã có các thông tin cơ bản về video, thuật toán TikTok sẽ phân phối video đến một lượng nhỏ người dùng. Ngay sau khi nội dung đến tay người dùng, hệ thống sẽ tiến hành đánh giá khả năng tương tác của người dùng với nội dung theo thang điểm ước tính dưới đây.
- Tỷ lệ xem lại video: 10 điểm
- Tỷ lệ xem hết video: 8 điểm
- Số lượt chia sẻ: 6 điểm
- Số lượt bình luận: 4 điểm
- Số lượt thích: 2 điểm
Quy trình phân phối – đánh giá sẽ được lặp lại một lần nữa khi video của bạn đạt ngưỡng “ổn” với TikTok. Video này sẽ ngừng lan truyền (viral) đến khi số điểm của bạn thấp hơn tiêu chuẩn của TikTok.
Tuy nhiên, hãy hiểu rằng những nội dung tiếp cận đúng khán giả mục tiêu sẽ có lợi hơn nhiều so với việc video lan tỏa hàng loạt đến những người không quan tâm.
Phương pháp đề xuất nội dung
Thuật toán TikTok sẽ cá nhân hóa sở thích của người dùng bằng cách thu hẹp danh sách các video được đề xuất, để chọn ra video hợp với sở thích của người dùng nhất.
Ví dụ, nếu bạn là một fan của Black Pink thì các video nằm trong danh sách đề xuất của bạn chắc hẳn sẽ liên quan đến những khoảnh khắc thú vị của idol, concert Born Pink… thay vì các nội dung về âm nhạc ít liên quan hơn như Giọng hát Việt… hoặc các nội dung âm nhạc chung chung như làm thế nào để hát hay…
Tuy nhiên, sở thích của bạn sẽ thay đổi theo thời gian. Thuật toán của TikTok cũng sẽ linh hoạt trong việc theo dõi hành vi xem nội dung của bạn để cập nhật các đề xuất video trong tương lai.
Chẳng hạn, bạn tình cờ xem hết một vlog của Pam Yêu Ơi, TikTok sẽ đánh dấu nội dung đáng yêu, “healing” sẽ là nội dung tiềm năng ưa thích của bạn, từ đó đề xuất nhiều hơn các video của đáng yêu của trẻ nhỏ, gia đình Pam… Tuy nhiên, nếu trong một khoảng thời gian bạn có xu hướng lướt qua các video đáng yêu, TikTok sẽ chủ động giảm đề xuất về chủ đề này đến bạn.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thuật toán TikTok
Dưới đây là 3 yếu tố ảnh hưởng đến thuật toán TikTok chính được chính TikTok cung cấp:
- Tương tác của người dùng (User Interaction).
- Thông tin của video (Video Information).
- Thiết lập của thiết bị và tài khoản (Device and Account Setting).
Tương tác của người dùng
Thuật toán TikTok khá tương đồng với Instagram khi đặt vấn đề tương tác của người dùng lên hàng đầu. TikTok sẽ xem xét cách bạn tương tác với nền tảng này thông qua các dữ liệu:
- Các video người dùng ưa thích.
- Các video người dùng chia sẻ.
- Các tài khoản bạn theo dõi.
- Nội dung bạn tạo ra.
- Bình luận (comment) của bạn.
- Các nhà sáng tạo bị bạn ẩn.
- Các video bị báo cáo rằng “không liên quan”.
Để tối ưu các đề xuất nội dung cho bạn, TikTok cũng chú ý đến thời lượng video bạn đã xem. Xem toàn bộ video là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy người dùng đang quan tâm đến nội dung.
Ngoài ra, thuật toán này cũng sẽ “ưu ái” cho các Creator có tiềm năng được user yêu thích, thay vì các TikToker tuy được follow nhưng hay bị lướt qua.
Thông tin của video TikTok
Một điểm lưu ý cho các TikToker, TikTok sẽ dựa vào các thông tin trong trên video để xác định chủ đề và đánh giá các đề xuất nội dung phù hợp với bạn. Các nguồn thông tin chủ yếu này thường gồm:
- Caption (mô tả video): Gồm các từ khóa giúp thuật toán TikTok hiểu nội dung của video.
- Hashtag: Để phân loại nội dung/ thông báo cho thuật toán nội dung của Video.
- Âm thanh: Gồm các (hiệu ứng) âm thanh và các bản nhạc để TikTok xác định nội dung âm thanh thịnh hành (trending audio content) và phân phối đến nhiều khán giả hơn.
Thiết lập của thiết bị và tài khoản
Mặc dù xếp sau hai tiêu chí trên, song cách thức thiết lập tài khoản và thiết bị vẫn là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thuật toán TikTok.
Những thông tin này được TikTok phân loại là tiêu chí để tối ưu trải nghiệm thay vì là tiêu chí đề xuất nội dung. Một vài cài đặt tài khoản và thiết bị TikTok cần xem xét như:
- Loại thiết bị.
- Thiết lập quốc gia.
- Tùy chọn ngôn ngữ.
Thuật toán TikTok không cho thấy những gì?
Thuật toán TikTok sẽ loại trừ một vài nội dung trên trang “Dành cho bạn” để đảm bảo người dùng không phải xem các video tương tự hoặc video người dùng không quan tâm. Chính vì vậy, thuật toán TikTok sẽ hạn chế đề xuất các video sau:
- Video TikTok đã xem.
- Video TikTok spam.
- Các video bị trùng lặp.
- Video bị đánh dấu là “Không quan tâm”.
- Các nội dung độc hại/ khó chịu.
- Video vi phạm chính sách.
5 Tips viral cùng thuật toán TikTok trong năm 2024
Dưới đây là 5 mẹo viral video trên TikTok trong năm 2023, REVU khuyến khích các Creator và các Brand nên tham khảo.
Tip 1: Chú trọng vào một ngách nội dung
Thuật toán TikTok sẽ tìm cách ghép nội dung của các nhà sáng tạo (creator) phù hợp đến với khán giả phù hợp. Chính vì vậy, creator càng tạo ra nhiều video trong thị trường nội dung ngách của mình, thì xác suất video đến đúng người xem phù hợp càng cao.
Các Creator có thể sẽ khá mông lung trong giai đoạn này. Các bạn có thể cân nhắc về sở thích, lĩnh vực phù hợp để xác định ngách nội dung bạn sẽ giải quyết, từ đó làm cơ sở xây dựng các chiến lược nội dung trong dài hạn.
Tip 2: Không dài dòng
Mặc dù TikTok đã quyết định tăng thời lượng của Video lên 10 phút, song ta vẫn dễ dàng nhận thấy các video ngắn vẫn là “ngôi sao đích thực” của nền tảng này. Cắt ngắn video không đồng nghĩa với việc giảm chất lượng nội dung. Thay vào đó, hãy cố gắng đi thẳng vào vấn đề và trình bày mạch lạc trong 15-30 giây. Điều này sẽ giúp các TikToker thu hút khán giả và truyền tải thông điệp hiệu quả hơn.
Tip 3: Gây ấn tượng trong 3 giây đầu tiên
Người dùng TikTok là những con người thiếu kiên nhẫn, nên họ sẽ chủ động bỏ qua các video họ cho là nhàm chán. Để duy trì tỉ lệ xem hết video của người dùng, thuật toán TikTok sẽ cố gắng phân phối cho người dùng những video ấn tượng, dễ hiểu và liền mạch.
Chính vì vậy, gây chú ý với khán giả của bạn trong 3 giây đầu tiên sẽ giúp bạn tăng khả năng xem hết video của khán giả. Thậm chí nếu nội dung của bạn đủ ấn tượng, họ sẽ không tiếc việc xem lại 2-3 lần nữa. Thuật toán của TikTok sẽ xét xem video của bạn là một nội dung tiềm năng, từ đó phân phối đến nhiều người dùng tương tự.
Tip 4: Sử dụng các Hashtag
Sử dụng các hashtag cho video là một cách tuyệt vời để tăng khả năng được đề xuất đến các người xem tiềm năng. Bên cạnh việc thu hút hàng nghìn tương tác, hashtag cũng sẽ là công cụ nâng tầm khả năng hiển thị video.
Một số hashtag tham khảo cho các ngành nghề: #TikTokDanceVN (nhảy), #Vietcomedy (hài), #Vietdrama (kịch, drama), #LearnOnTikTok (giáo dục), #BookTok (sách)…
Tip 5: Sử dụng các bài hát/ âm thanh xu hướng
TikTok không chỉ cho phép người dùng tìm kiếm nội dung bằng hashtag hay từ khóa. Như bạn có thể thấy bên dưới, TikTok cho phép user khám phá các nội dung tương tự thông qua các bài hát thịnh hành.
Để đảm bảo khả năng được thuật toán TikTok đề xuất, hãy sử dụng/tạo ra các bài hát xu hướng vào video của bạn. Chính TikTok cũng chỉ ra những tác động tích cực khi các Brand sử dụng các bản nhạc được người dùng ưa thích:
- 68% người dùng TikTok nhớ rõ Brand hơn.
- 58% người dùng TikTok cảm thấy gắn kết với Brand hơn.
- 58% cho biết họ sẵn sàng nói về Brand hoặc chia sẻ quảng cáo.
- 62% cảm thấy tò mò và muốn tìm hiểu thêm về Brand.
Nguồn: REVU