Nắm bắt các xu hướng marketing quan trọng nhất trong năm 2023 như: video ngắn, tiếp thị kết hợp người nổi tiếng, xây dựng cộng đồng, … giúp các nhà tiếp thị và các thương hiệu hoạch định chiến lược marketing dài hạn đúng đắn nhất.
Xu hướng marketing: Video ngắn (short video)
Video ngắn đã gây bão trên toàn thế giới vào năm vừa qua và nó được dự đoán là sẽ tiếp tục phát triển bùng nổ hơn nữa vào năm 2023. Video ngắn đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ của các nền tảng như TikTok, Douyin, Reels, Vine, Youtube Short, … Video ngắn thường chỉ dài từ 15-60 giây. Các video ngắn thường được các thương hiệu xây dựng kịch bản ngắn gọn để truyền tải thông điệp theo cách thú vị, dễ hiểu và hấp dẫn hơn đối với khán giả mục tiêu.
Video ngắn là một phương pháp tuyệt vời để tạo ra nhiều lợi ích như:
- Thu hút sự chú ý của mọi người, khuyến khích họ truyền bá thông tin về thương hiệu: Theo Hubspot, tỷ lệ khách hàng tiềm năng nhấp vào video tăng lên 56% và khả năng gia tăng nhận thức về thương hiệu tăng lên 43%
- Mức độ tương tác cao: Theo Sprout Social, 66% người tiêu dùng cho biết họ chú ý nhiều cho các video ngắn. Ngoài ra, cũng trong khảo sát này, Sprout Social cho biết các video ngắn sẽ có tỷ lệ tương tác cao hơn so với video dài
- Mang lại ROI (lợi tức đầu tư) tốt: Theo Animoto, 73% người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện trên mạng xã hội của một thương hiệu khi đưa ra quyết định mua hàng. Vì vậy, nếu người tiêu dùng yêu thích nội dung video của thương hiệu, họ sẽ có xu hướng mua sắm nhiều hơn
- Kích thích khách hàng xem nhiều video và quan tâm đến thương hiệu nhiều hơn: Theo tài liệu của Wyzowl, 96% mọi người tìm kiếm và xem video để tìm hiểu thêm về sản phẩm hoặc dịch vụ của một thương hiệu
- Tái sử dụng nội dung dễ dàng hơn: Thương hiệu có thể cắt và nối các video ngắn thành video dài hơn để tạo thành một video tổng hợp, chuỗi liên kết, …
Với những lợi ích và ảnh hưởng tích cực như trên, 90% nhà tiếp thị cho biết họ sẽ tiếp tục duy trì ngân sách hoặc dành nhiều ngân sách hơn để đầu tư cho video ngắn (Theo Hubspot)
Kết hợp với người có tầm ảnh hưởng (KOL, KOC, Celeb)
Kết hợp với người có tầm người ảnh hưởng là sự hợp tác giữa một thương hiệu và một cá nhân có lượng người theo dõi trực tuyến lớn và có ảnh hưởng đến một thị trường nhất định. Giống như video ngắn, chiến lược marketing kết hợp với người có tầm ảnh hưởng bắt đầu nổi lên vào năm 2022 và được dự đoán sẽ trở thành xu hướng marketing 2023.
Thị trường tiếp thị kết hợp với người có tầm ảnh hưởng đã tăng từ 1,7 tỷ đô la năm 2016 lên 16,4 tỷ đô la trong năm 2022. Với mức tăng trưởng đáng mong đợi như hiện tại, tiếp thị kết hợp với người có tầm ảnh hưởng chính là xu hướng marketing mà có đến 89% các nhà tiếp thị có kế hoạch đầu tư và gia tăng ngân sách trong năm 2023 (Hubspot).
Ngoài ra, các nhà tiếp thị chuyên nghiệp còn sử dụng tiếp thị người có tầm ảnh hưởng vì những lợi ích lâu dài như:
- Nâng cao nhận thức về thương hiệu
- Xây dựng lòng tin và uy tín thương hiệu
- Tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu
- Thúc đẩy tạo ra chuyển đổi
- Tạo khách hàng tiềm năng
- Kết nối với thị trường tiềm năng rộng lớn hơn
Các thương hiệu có thể chủ động nắm bắt cơ hội để tìm kiếm một KOL, KOC có tầm ảnh hưởng trở thành “đại diện thương hiệu” để quảng bá sản phẩm, gia tăng nhận diện thương hiệu và tạo lòng tin với khách hàng tiềm năng.
Tối ưu hiển thị (SEO)
Khi nói đến xu hướng marketing hiện nay, 88% các nhà tiếp thị cho biết họ sẽ đầu tư nhiều tiền hơn vào SEO.
Trong năm 2022, Google đã phát hành một số bản cập nhật thuật toán. Những bản cập nhật thuật toán này có thể được phân thành ba loại chính:
- Cập nhật cốt lõi: Các bản cập nhật thuật toán được phát hành để giúp tìm kiếm tốt và an toàn hơn.
- Nội dung hữu ích: Các thuật toán cập nhật để làm cho kết quả tìm kiếm hữu ích và phù hợp hơn
- Trải nghiệm: Các thuật toán mới của Google ưu tiên các website có trải nghiệm người dùng tốt trên tất cả các thiết bị (máy tính và điện thoại, …)
Rõ ràng, những thuật toán mới này của Google sẽ ưu tiên những trang web có nội dung chất lượng, các chỉ số trải nghiệm người dùng trên trang web tốt (ví dụ: time on site, time outside, thời gian tải trang, …). Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, việc tối ưu hoá hiển thị (SEO) sẽ là một xu hướng marketing và thách thức trong 2023 đối với nhiều nhà tiếp thị chuyên nghiệp
Phát triển cộng đồng
Xây dựng và phát triển cộng đồng là một cách tuyệt vời để quảng bá thương hiệu tiếp cận với nhiều đối tượng hơn. Cộng đồng được hình thành hoặc tạo ra từ những mối quan tâm chung, trong trường hợp này mối quan tâm chính là ngành hàng và sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp bạn đang cung cấp.
Ví dụ: Shopee tạo ra 2 cộng đồng dành cho cả người bán và người mua:
- Đối với người bán: Shopee có trang web dành cho người bán (Shopee Edu) hoặc những cộng đồng (Shopee Captain) để chia sẻ kinh nghiệm từ người bán thành công hoặc hướng dẫn, thảo luận về cách đăng bán sản phẩm, chạy quảng cáo, đăng ký các chương trình ưu đãi của Shopee, …
- Đối với người mua: Shopee có những hội nhóm để chia sẻ các chương trình LiveStream (Nghiện Shopee Live) hoặc chia sẻ deal, mã giảm giá, các mini game (Nghiện Shopee), …
Dưới đây là một vài lý do chính tại sao tiếp thị xây dựng cộng đồng trở thành một xu hướng marketing hiện nay và nó nên là một phần trong chiến lược tiếp thị của bạn:
- Giúp bạn xây dựng lòng tin của người dùng và các mối quan hệ bền chặt bằng cách tạo ra một không gian an toàn. Trong một cộng đồng chân thành và thân thiện, mọi người có thể gắn kết với nhau nhiều hơn.
- Tiếp thị cộng đồng có thể giúp bạn tạo cơ sở khách hàng trung thành hơn với kết nối sâu hơn.
- Sử dụng chiến lược cộng đồng sẽ giúp bạn có những khách hàng trung thành. Sau đó, nhờ tiếp thị truyền miệng, những khách hàng trung thành này sẽ góp phần tạo nên thương hiệu của bạn.
- Chiến lược cộng đồng trong tiếp thị giúp bạn tiếp cận với khách hàng tiềm năng nhiều hơn ngoài khách hàng hiện tại.
- Tiếp thị cộng đồng có thể nâng cao nhận thức của mọi người về thương hiệu
- Xây dựng cộng đồng cũng có thể trở thành chiến lược chăm sóc khách hàng hữu ích, tiết kiệm chi phí marketing hơn. Ví dụ, nếu chạy quảng cáo khách hàng mục tiêu đa nền tảng, ngân sách chi tiêu cho quảng cáo sẽ rất lớn. Tuy nhiên, nếu tạo riêng chương trình giảm giá, chương trình đặt trước – giá hời cho cộng đồng thì thương hiệu sẽ thu về nhiều lợi ích hơn như: tiết kiệm ngân sách chạy quảng cáo, kích thích khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thực sự, khách hàng “truyền miệng” về các chương trình dành riêng cho cộng đồng của thương hiệu với bạn bè, người thân, …
Kết hợp thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR)
PwC đã đưa ra dự đoán rằng đến năm 2030, VR và AR có khả năng tăng GDP toàn cầu lên 1,5 nghìn tỷ USD. Đó chính là lý do vì sao VR và AR được dự đoán trở thành xu hướng marketing và được các nhà tiếp thị tích cực kết hợp trong các chiến lược.
Thông qua tiếp thị thực tế ảo, các doanh nghiệp có thể tạo ra một thế giới riêng để giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Thương hiệu có thể sử dụng kết hợp thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để nâng cao trải nghiệm khách hàng như:
- Kể câu chuyện về thương hiệu một cách hấp dẫn hơn thông qua AR, VR với nhiều điểm chạm cảm xúc, cảm giác hơn
- Mang niềm vui vào quảng cáo, tạo ra nhiều trải nghiệm đáng nhớ hơn: Thay vì chỉ xem các mẫu trực tuyến, người tiêu dùng có thể thử các sản phẩm thông qua phòng thử đồ ảo, …
- Tiếp thị ảo có thể giúp thúc đẩy sự gắn kết về mặt cảm xúc với khách hàng
- Nổi bật hơn đối thủ trong mắt khách hàng
Nhiều thương hiệu, chẳng hạn như Volvo đã tận dụng VR để quảng bá giới thiệu Volvo XC90. Thông qua ứng dụng Volvo Reality, người dùng có thể tận hưởng trải nghiệm lái thử thực tế ảo của xe và tận mắt chiêm ngưỡng nội thất bên trong xe một cách chân thực, rõ ràng nhất.
Tận dụng và kết hợp nội dung do AI tạo ra
Các chuyên gia tiếp thị đang tận dụng các công cụ AI như mô hình dữ liệu, thuật toán và máy học, … Công cụ AI đã giúp các nhà tiếp thị gặt hái được nhiều lợi ích nhờ hiểu rõ hơn đối tượng khách hàng mục tiêu như:
Quảng cáo được nhắm mục tiêu chính xác hơn. Vì vậy, ROI cao hơn, quảng cáo hiệu quả hơn
- Dự đoán xu hướng của người tiêu dùng chính xác
- Hiểu rõ hơn về hành vi của người mua
- Tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng và lòng trung thành
- Nâng cao trải nghiệm của khách hàng
Từ những lợi ích thiết thực mà AI mang lại, các thương hiệu có thể tận dụng các cách sau để đào tạo AI tạo nội dung hỗ trợ tăng cường cho chiến lược marketing:
- Ý tưởng marketing: Thông qua các công cụ như Canva hoặc Chat GPT, AI có thể đóng vai trò là trợ lý hữu ích trong suốt quá trình thương hiệu lên ý tưởng. Bạn có thể giao nhiệm vụ và đào tạo, huấn luyện AI thông qua các yêu cầu, ví dụ như: “Phác thảo 5 ý tưởng về thời trang mùa hè”, “Viết 10 tiêu đề bài viết về bộ váy”… sau đó AI sẽ nhanh chóng thực hiện yêu cầu và trả lại kết quả cho bạn. Từ các ý tưởng mà AI gợi ý, bạn có thể lựa chọn 1 ý tưởng tốt nhất để triển khai nó.
- Viết content: Ngày càng có nhiều công cụ AI giúp bạn viết hoàn chỉnh một bài viết content, tuy nhiên những công cụ được quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình nhất dùng để hỗ trợ viết trong đầu năm 2023 là Chat GPT. Chat GPT có thể tạo toàn bộ bài viết, hình ảnh và trình bày đầy đủ thông tin thông qua sự “huấn luyện” đơn giản của bạn.
- Thiết kế: AI đã cách mạng hóa thế giới thiết kế bằng nhiều công cụ như: Looka – thiết kế logo, AdCreative – tạo biểu ngữ và quảng cáo trên mạng xã hội, … Trong xu hướng marketing tương lai, AI có thể được sử dụng để thiết kế cho các dự án tiếp thị, quảng bá thương hiệu trong tương lai.
Chìa khóa để thành công là nắm bắt xu hướng marketing trong tương lai nhanh nhất, lựa chọn xu hướng marketing phù hợp nhất với mục tiêu kinh doanh của thương hiệu để đem về chỉ số hiệu quả, doanh thu tốt.
Tổng hợp: Leo