Cabin Fever: hội chứng dễ mắc phải khi bạn ở nhà quá lâu

Thuật ngữ “cabin fever” mô tả các triệu chứng tâm lý mà một người có thể gặp phải khi họ bị giam giữ trong nhà trong thời gian dài và không thể tham gia các hoạt động xã hội. “Cơn sốt” này ngày càng phổ biến bởi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất căng thẳng, chúng ta buộc phải ở nhà nhiều hơn để đối phó với COVID-19.

.Hội chứng cabin fever - Khi bạn phải ở nhà quá lâu

Cabin fever là một loạt các cảm xúc tiêu cực và cảm giác đau buồn mà mọi người có thể phải đối mặt nếu chúng bị cô lập hoặc cảm thấy bị cắt đứt liên lạc với thế giới.

Loài người là sinh vật có tính xã hội cao. Chúng ta có xu hướng thoải mái và hoạt động tốt hơn khi được kết nối với nhau. Cabin fever thường xảy ra trong nhiều hoàn cảnh như thiên tai, bệnh tật và đặc biệt là giãn cách xã hội vì dịch bệnh.

Một số yếu tố có thể gây ra hoặc góp phần gây sốt cabin bao gồm:

– Không thể kết nối trực tiếp với bạn bè và gia đình

– Không thể tham gia vào các hoạt động bạn yêu thích/mong muốn

– Kiệt sức vì công việc

– Cảm thấy không có động lực và trì trệ do có ít/không có việc làm

– Lo lắng về tài chính

Cabin fever không phải là một chứng rối loạn tâm lý được công nhận, nhưng điều đó không có nghĩa là cảm giác đó không có thật. Nếu không có cách ứng phó, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của bạn.

Các Triệu Chứng Của “Cabin Fever”

Không phải ai cũng sẽ có các triệu chứng giống hệt nhau, nhưng hầu hết mọi người cảm thấy rất khó chịu hoặc bồn chồn. Hoặc:

– Thiếu kiên nhẫn, dễ cáu gắt

– Mất động lực, thậm chí tuyệt vọng

– Khó tập trung

– Rối loạn giấc ngủ

– Rối loạn ăn uống

– Không tin tưởng vào những người xung quanh

– Buồn hoặc trầm cảm

Một số người có thể vượt qua cảm xúc tiêu cực dễ dàng nhưng cũng đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy khó khăn với trải nghiệm này. Hãy đọc tiếp nhé!

Điều Gì Có Thể Giúp Bạn Đối Phó Với Cabin Fever?

Vì cabin fever không phải là một tình trạng tâm lý được công nhận, nên không có “phương pháp điều trị” tiêu chuẩn. Cơ chế đối phó phù hợp nhất với bạn sẽ liên quan nhiều đến hoàn cảnh cá nhân và lý do bạn đang bị tách biệt.

Nếu các triệu chứng của bạn nhẹ, hãy thực hiện các giải pháp tích cực để chống lại cảm xúc tiêu cực. Để bắt đầu hãy tham khảo những ý tưởng sau đây.

Dành thời gian cho thiên nhiên

Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và thiên nhiên giúp chúng ta giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng.

Tuy nhiên, nếu đang ở trong thời gian quy định về giãn cách xã hội không thể ra ngoài gần gũi với thiên nhiên, bạn hãy cố gắng ra ban công hoặc mở cửa sổ để hít thở không khí trong lành, trồng hoa/các loại thảo mộc để nhìn và ngửi thấy mỗi lúc hoặc đặt khay nước/thức ăn cho chim bên cửa sổ để chúng tới gần bạn hơn…

Thiết lập và duy trì thói quen lành mạnh

Việc thay đổi môi trường làm việc thu gọn chỉ loanh quanh trong ngôi nhà là sự “xáo trộn” không hề nhỏ với phần lớn những người linh hoạt môi trường bên ngoài, thậm chí có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của cabin fever. Xây dựng và tuân theo một thói quen có thể giúp mọi người cảm thấy kiểm soát được tình hình của mình. Sự kiểm soát này có thể giúp ngăn chặn cảm giác tuyệt vọng và trầm cảm.

– Tìm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đặc biệt với những người lần đầu tiên làm việc tại nhà – có thể gặp khó khăn trong việc cân bằng hài hòa giữa các hoạt động. Mặc dù bận rộn sẽ giúp ngăn chặn sự buồn chán, nhưng làm việc quá chăm chỉ có thể dẫn đến kiệt sức.

– Đặt mục tiêu hàng ngày hoặc hàng tuần và theo dõi tiến trình hoàn thành của bạn. Đảm bảo rằng các mục tiêu của bạn là hợp lý và tự thưởng cho bản thân khi đạt được từng mốc quan trọng.

– Ngủ đủ giấc: Đừng ỷ lại thời gian không phải đi làm để thức thật khuya và ngủ ngày. Ngủ đủ, ngủ ngon sẽ giúp bạn có tinh thần minh mẫn và sức khỏe tốt để đối phó với các vấn đề.

– Đảm bảo duy trì sự cân bằng dinh dưỡng thích hợp. Hạn chế ăn vặt, đồ ăn nhiều đường, nhiều dầu mỡ và nhớ bổ sung vitamin, uống nhiều nước nhé!

hội-chứng-cabin-fever-1.jpg

Hoạt động trí óc

Mặc dù TV và các bộ phim là thứ tiêu khiển thú vị nhưng chúng dễ khiến bạn trì trệ, thiếu nhanh nhẹn. Hãy thử giải ô chữ, đọc sách hoặc chơi board game… Kích thích tâm trí của bạn có thể giúp bạn tiếp tục tiến lên và giảm cảm giác bị cô lập, bất lực.

Duy trì các mối quan hệ xã hội

Không thể cùng đi xem phim hoặc gặp gỡ bạn bè nhưng bạn vẫn có thể “gặp gỡ” họ – theo một cách khác. Hãy sử dụng các công cụ trực tuyến để trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp và những người thân yêu của bạn. Thời gian trò chuyện trực tiếp có thể giúp bạn tiếp xúc với “thế giới bên ngoài” và làm cho cả ngôi nhà nhỏ của bạn trở nên rộng lớn hơn rất nhiều.

Kết nối với những người ở trong hoàn cảnh tương tự cũng có thể giúp bạn cảm thấy rằng mình không đơn độc. Chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với người khác có thể giúp bạn nhận ra rằng những gì bạn đang cảm thấy là bình thường.

Thể hiện khía cạnh sáng tạo 

Bạn đã học chơi một nhạc cụ? Bạn quan tâm đến hội họa? Có một công thức làm bánh bạn luôn muốn thử nhưng chưa có thời gian không?

Sử dụng thời gian riêng biệt của bạn để kết nối lại với các hoạt động sáng tạo mà bạn đã phải tạm dừng vì cuộc sống quá bận rộn. Hãy dành thời gian cho các hoạt động sáng tạo để giúp bộ não của bạn luôn bận rộn.

Me time – thời gian cho bản thân

Nếu bạn sống cùng những người khác quá lâu trong thời kỳ giãn cách xã hội, các triệu chứng cabin fever có thể tăng lên khi bạn ở gần những người khác.

Cha mẹ có trách nhiệm với con cái, con cái có nghĩa vụ với cha mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn bỏ quên thời gian cho riêng mình.

Cho bản thân thời gian một mình để thư giãn, hít thở sâu và làm bất kỳ điều gì bạn yêu thích để duy trì sức khỏe cảm xúc. Tìm một nơi yên tĩnh để đọc sách, thiền hoặc nghe một số podcast hấp dẫn. Nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng, bạn nên theo dõi các podcast về sức khỏe tinh thần, thiền…

Các bài tập chánh niệm, hít thở sâu và thư giãn có thể giúp bạn duy trì sức khỏe cảm xúc và cân bằng cảm giác bị cô lập hoặc thất vọng.

An open magazine on bed, showing beautiful interiors with a cup of tea, biscuits and a succulent plant on a tray.

Tập thể dục 

Không đơn giản là đốt cháy các năng lượng thừa, tập thể dục khiến não giải phóng endorphin giúp cải thiện tâm trạng và cảm giác hạnh phúc. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tập thể dục thường xuyên ít bị lo lắng hơn những người không tập thể dục. Đó là bởi vì hoạt động thể chất làm giảm các hormone căng thẳng của cơ thể bạn, chẳng hạn như cortisol.

Ngay cả khi bạn không thể ra khỏi nhà, hãy tìm cách duy trì hoạt động thể chất khi ở trong nhà như các bài tập rèn luyện sức bền tại nhà với thiết bị đơn giản, như tạ hoặc dây đeo kháng lực.

Kiểm soát tin tức

Cập nhật tin tức theo thời gian có thể hữu ích cho việc theo dõi tình hình COVID-19. Tuy nhiên, xem tin tức quá thường xuyên có thể gây ra cảm giác lo lắng và trầm cảm. Hãy chọn lọc thông tin phù hợp với tình hình bạn nhé. Nếu bạn đang sa đà quá nhiều vào việc xem tin tức trên các trang mạng, hãy thử cố định thời gian dành cho tìm kiếm thông tin. Ví dụ như chỉ xem tin, đọc báo vào những thời gian cố định, một hoặc hai lần một ngày.

Tập trung vào những mặt tích cực

Bạn biết không, đôi khi được an toàn trong nhà đã là một may mắn, nhất là trong tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Hãy biết ơn vì thời điểm này bạn có thể dành thời gian cho bản thân và gia đình nhiều hơn, bạn có thêm thời gian để sáng tạo và học hỏi để phát triển bản thân…

hội-chứng-cabin-fever-3.jpg

Khi Nào Cần Giúp Đỡ?

Cabin fever có thể không kéo dài, đôi khi chỉ một chút thay đổi trong cách sống là bạn có thể đối phó và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực trước đó.

Tuy nhiên nếu thời gian ở trong nhà bị kéo dài hơn bởi các tác động bên ngoài, hãy theo dõi các triệu chứng bạn đang gặp phải một cách kỹ càng. Trong trường hợp các triệu chứng ngày càng tồi tệ hơn, hãy cân nhắc liên hệ với chuyên gia, bác sĩ sức khỏe tâm thần, người có thể giúp bạn hiểu những gì bạn đang gặp phải và xác định phương pháp giúp bạn vượt qua thử thách này.

Nguồn: Her